“Học để làm gì?”

 Câu hỏi này tưởng chừng “xưa như trái đất” và ai cũng có thể trả lời được nhưng với nhiều người, ở mỗi thế hệ, mỗi thời đại người ta vẫn đau đáu về cái sự học này, và đó cũng là chủ đề của chương trình “đối thoại trẻ” vừa diễn ra tại trường quay của Đài truyền hình Việt Nam.

Chủ nhân của cuộc đối thoại là giảng viên Nguyễn Thu Giang (ĐHKHXH và NV Hà Nội) và vị khách mời đặc biệt Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Tham gia trong cuộc tọa đàm có nhiều ý kiến khác nhau về việc học. Có người cho rằng học để lấy tri thức, người thì nói học để làm tốt công việc của mình, học để tiến thân… nhưng với Bộ trưởng thì mục đích học theo thời gian có sự thay đổi khác nhau, lúc nhỏ học cho cha mẹ vui lòng, khi lớn học để phục vụ đất nước, học cho bản thân. Còn theo tổ chức Unesco thì việc học có 4 mục tiêu chính: học để biết, học để làm việc, học để sống chung với người khác và học để tồn tại. Nói chung xung quanh việc học có trăm ngàn ý kiến khác nhau nhưng phải chăng tựu chung ở hai điều cơ bản:
Học để cuộc sống tốt đẹp hơn
Cho dù với mục đích nào thì trước tiên việc học cũng nhằm phục vụ cuộc sống của cá nhân mình, gia đình và lớn hơn là xã hội. Cứ cho là học để biết, để có nhiều tri thức làm cho cuộc sống của mình phong phú hơn, rộng lớn hơn và có ý nghĩa hơn. Hay học để làm việc thì cũng là phục vụ cho cuộc sống của mình rồi mới đến xã hội. Như vậy việc học cho dù với động cơ nào thì cũng nhằm làm đẹp hơn lên cho cuộc sống. Cổ nhân cũng từng dạy “nhân bất học, bất tri lý”, học để biết đúng sai, điều hơn lẽ phải trong cuộc sống. Học để làm người, một người có ích cho xã hội.
Trong những ngày gần đây, báo chí đưa tin rất nhiều về một nam sinh đã tạt axit vào người thầy của mình. Chỉ vì phạm một lỗi lầm cơ bản để lấy được tấm bằng phục vụ cuộc sống mà lại vô tình làm cho cuộc sống hoen ố đi. Đây là hai mặt của một vấn đề, vì cuộc sống mà chà đạp lên nhân cách, lên giá trị con người, lên cái đẹp mà cuộc đời ban tặng cho chúng ta. Ngay cả là những người thầy, người cô ở nơi nào đó, đôi khi vì những phút mải mê chạy theo cái lợi trước mắt mà đánh mất nhân phẩm của mình. Vâng, hỏi việc học để làm gì thì có trăm đường và việc nhận thức cũng muôn ngả. Nhưng vấn đề là có thể rất nhiều người nhận thức đúng đắn cái sự học nhưng khi đi vào hành động lại sai lầm, hoặc họ cố tình làm sai. Vì thế việc học nói chung hay công tác giáo dục trong nhà trường hiện nay không chỉ là nhận thức mà còn phải bằng những hành động cụ thể.
Học không chỉ để lấy tri thức                
 
Học để cuộc sống phục vụ mình Ảnh: nguồn internet
 
Trong 4 mục tiêu của Unesco về việc học thì có lẽ mục tiêu “học để sống chung với người khác” và “học để tồn tại” là hai mục tiêu làm cho việc học trở nên thiết thực hơn. Hay nói cách khác học để cho cuộc sống phục vụ mình. Trở về với kỷ nguyên mà con người thay nhau chinh phục vũ trụ. Từ thời nguyên sơ, họ biết tạo ra lửa, rồi đến công cụ sản xuất, những cuộc du hành vào vũ trụ… Nếu như con người không chịu khó tìm tòi khám phá thông qua việc tự học thì không thể có những thành tựu to lớn như ngày nay, rồi cũng từ việc học ấy mà cuộc sống đã không phụ công họ. Sau đó học để sống chung với người khác, sống trong gia đình, sống chung với cộng đồng. Những việc làm ấy cũng xuất phát từ việc học. Cuộc sống sẽ tốt biết bao nếu con người sống vì nhau, phục vụ lẫn nhau.
Trở lại với vấn đề bằng cấp trong việc học. Học để lấy bằng cũng không phải là lý do thực dụng như người ta vẫn nói. Chẳng phải hiện nay nhiều nơi người ta vẫn thực hiện “mức lương tỷ lệ thuận với bằng cấp”? Điều đó là có thật. Vì thực tế như vậy nên con người phải lái bánh xe theo hướng học để lấy cho được tấm bằng càng cao càng tốt. Nói như vậy không có nghĩa là việc học chỉ cần chú trọng vào bằng cấp mà cần phải làm thế nào để việc học vừa cung cấp cho ta kiến thức, vừa chứng nhận về những gì ta đã học và tất cả những điều đó sẽ phục vụ chúng ta một cách hữu ích nhất. Đó cũng chính là lý do học để cuộc sống phục vụ mình.
 
Phạm Huệ 
Nguồn giaoduc.edu.vn