Thưa bộ trưởng, cháu thấy sợ hãi khi nhìn thế hệ 2000 đi thi

Trên diễn đàn học nhóm dành cho thí sinh thi THPT quốc gia, tâm sự của Minh Anh (tên đã thay đổi) – học sinh lớp 11 tại Đà Nẵng – gửi Bộ trưởng GD&ĐT nhận được sự quan tâm của dư luận. 

Trao đổi với Zing.vn, Minh Anh cho biết em viết bức thư này trong một buổi tối lo lắng khi không biết năm sau sẽ học và ôn thi như thế nào. Mọi thay đổi của giáo dục đều ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh nhưng học sinh thường không được lấy ý kiến, lên tiếng.

Sợ thi cử ngay từ khi bước chân vào trường phổ thông 

Cháu là học sinh khóa 2001, một thế hệ mới, một tương lai mới của đất nước. Thế hệ của cháu có thành đạt hay không đều phụ thuộc vào quá trình giáo dục và đào tạo mà thi cử giữ vai trò quyết định.

Trước tiên, cháu cảm thấy sợ khi chứng kiến cảnh tượng các anh chị khóa 2000 thi cử với những câu hỏi không thể khó hơn. Khó vì phạm vi ôn tập quá rộng. Khó vì thời gian làm bài quá ít. Khó vì phải dồn 3 môn vào một tổ hợp trong một buổi. Khó vì phải làm trắc nghiệm mà như làm tự luận, giải cả trang giấy vẫn chưa ra kết quả. Khó bởi vì cả giáo viên lẫn giáo sư cũng không thể làm được hết đề thi trong thời gian quy định. 

Thực ra, cháu sợ ngay từ khi đặt chân vào trường THPT, khi chưa năm nào kỳ thi THPT quốc gia ổn định. Mỗi năm thay đổi một chút. Có năm thay đổi cách thức tổ chức thi, năm thay đổi giới hạn ôn tập, năm thì thay đổi độ phân hóa.

Chỉ một thay đổi nhỏ trong khối rubic đã làm cả hệ thống xô lệch, dạy và học phải chạy theo thi cử, giáo viên và học sinh đua nhau luyện đề, thi thử để ứng phó. Cả một bộ máy giáo dục xoay như chong chóng để chạy theo thi cử. 

Cháu tự hiểu học là để thi. Nếu học không để thi, cháu không còn biết thêm ý nghĩa nào khác nữa. Nội dung cháu học, vở ghi chép cháu ghi, sách vở cháu có đều là luyện đề, giải đề, các dạng đề, cấu trúc làm đề, mẹo làm đề sao cho đạt điểm cao, giải bài sao cho đơn giản, nhanh nhất. Học sinh ngày nay chỉ biết sách vở, cái thực tế trong sách vở cũng chỉ là thực tế của những con chữ vô hồn.